Cảm ơn Gà Thiến đã biên 1800 từ dành cho anh với bài viết Tại sao đọc sách, xin phép sao chép về blog của anh để đọc được dễ hơn vì WordPress bị chặn khá nhiều.
Không dành cho các đối tượng đọc 500 cuốn sách, sở hữu 1000 cuốn sách trở lên và các thành phần tương tự.
Đối tượng của bài viết: anh Béo và gia đình (vì bài này viết cho anh Béo, nên anh phải đọc, hehe), các ông bố bà mẹ trẻ, những người quan tâm đến đọc sách nhưng chưa kịp làm, và những người muốn biết hôm nay bạn Gà định chém gió về đề tài gì.
Nếu có thời gian, tôi sẽ hoàn thiện dần bài viết này.
***
Nhân đọc câu nói của anh Béo: “Sách vẫn luôn chỉ là sách khi chỉ đem tới sự ảo tưởng và vẽ vời ước mơ.”Không hiểu hết ý nghĩa câu này, nhưng mượn tạm làm lý do để nói điều xưa cũ: Tại sao nên đọc sách.
Sách gì
Qua vài khảo sát và quan sát nho nhỏ, tôi thấy rất nhiều người quan niệm sách chỉ bao gồm sách giáo khoa/ giáo trình, sách truyện, và sách cẩm nang. Loại thứ nhất chắc ai cũng biết. Loại thứ hai thường bị liên tưởng đến tiểu thuyết ướt át và dễ bị khái quát hóa thành “tiểu thuyết tiêm nhiễm lối sống ảo tưởng, phi thực tế”. Loại thứ ba, mà tôi thường gọi là sách dạy làm giàu, chắc là loại được đọc nhiều nhất của một người không đọc nhiều sách nhưng hay tự nhận là mình thích đọc sách. Cả ba đều không phải là đối tượng của bài viết này.
Thực ra ba loại trên chỉ là một phần rất nhỏ trong các loại sách phổ biến hàng nghìn năm nay. Ở Việt Nam, tất cả các loại sách đều đã được xuất bản. Sách mà tôi nói đến trong bài này gồm sách hư cấu (truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, thơ…) và phi hư cấu (ký, hồi ký, khoa học, triết, lý luận phê bình nghệ thuật các loại…). Tôi không biết sách tham khảo chuyên ngành có được xếp hết vào thể loại phi hư cấu hay không, nhưng tôi sẽ xét đến cả loại này.
Đọc có ích lợi gì
Rút ra từ kinh nghiệm bản thân và những người quen (bao gồm cả những người hay đọc và ít đọc sách), tôi cho rằng đọc sách, ngoài việc đem lại rất nhiều kiến thức và hiểu biết, còn hỗ trợ rất tốt cho phát triển ngôn ngữ, khả năng tư duy, tính độc lập, tính kiên trì, tính nhân đạo, sống có trách nhiệm…
Về ngôn ngữ
Rõ ràng đọc sách là một phương pháp tốt để rèn luyện kĩ năng ngôn ngữ, đặc biệt cho trẻ nhỏ. Các sách văn học có lẽ là loại sách làm tốt vai trò này nhất. Các tác phẩm thiếu nhi “kinh điển” của Việt Nam như sách bác Tô Hoài, Võ Quảng, Nguyễn Tuân,… đều dùng tiếng Việt chuẩn, giàu hình ảnh và chất thơ. Tôi đã lớn lên từ những cuốn này và ít khi dùng sai ngữ pháp, từ ngữ, chăm tra từ điển tiếng Việt vì có những từ cực kì hay, thậm chí đã tuyệt chủng trong thời đại báo lá cải ngày nay. Các sách nước ngoài, nếu có bản dịch chuẩn, cũng có ích cho việc rèn luyện ngôn ngữ.
Ngoài ra, sách văn học còn dùng từ ngữ để vẽ ra thế giới, do đó cũng có phần giúp người đọc tăng cườn tư duy về không gian và cảm thụ vẻ đẹp tự nhiên.
Lưu ý: loại sách này đôi khi khiến các cháu tưởng tượng viển vông thật. Bạn tôi đã từng đêm đêm mơ mình làm công chúa, hoặc đứa khác suốt ngày săn lùng phù thủy.
Tham khảo: Danh mục các cuốn sách dành cho trẻ 4-7 tuổi
Về tư duy
Không thể phủ nhận sách có đóng góp hàng đầu về mặt phát triển tư duy, đăc biệt là các sách về khoa học và nhân văn (triết học chẳng hạn). Thử tưởng tượng, nếu hai thanh niên A và B học cùng lớp, cùng thầy cô, (tóm lại cùng hệ thống giáo dục), hoàn cảnh xã hội giống nhau; xét về mặt học vấn, kiến thức và tư duy hai bạn khác nhau. Vấn đề là ở đâu? Kiến thức, ngoài trường lớp ra, rõ ràng chỉ có thể thu được từ việc tự học, hay nói cách khác là đọc sách. Tư duy, có thể một phần do di truyền, nhưng phần nhiều là do việc rèn luyện lâu dài, mà không đâu tốt hơn là từ việc đọc sách. Nếu bạn có bộ gene tốt mà không phát huy thì quá phí.
Đọc sách là một quá trình tự học, có thể nhiều chỗ phải đọc chậm, phải suy nghĩ, phải lâu lâu hoặc vài năm sau mới hiểu. Chính vì thế, nhiều lúc ta đọc mà không biết phải làm gì với đống “lý thuyết”, chiêm nghiệm này, sao không đọc cái gì thực tế quách cho xong. Ví dụ, bạn đọc Đắc Nhân Tâm của Dale Carnegie, hay Ngôn Ngữ Cơ Thể (thuộc loại thứ 3 – cẩm nang). Hai sách này dạy cho bạn rất nhiều “mánh lới” thu phục con người, và ý nghĩa của ngôn ngữ cơ thể, nhưng không lý giải tại sao lại như thế. Bạn chỉ có thể áp dụng những cách được dạy trong vài trường hợp cụ thể, chứ không thể khái quát hóa và suy luận hay áp dụng cho những TH khác. Những lý luận sâu này chỉ có thể thu được qua các cuốn sách về tâm lý và khoa học hành vi (ví dụ, Vượn Trần Trụi), vốn cung cấp cho bạn nền tảng lý thuyết và một phần ứng dụng – nói cách khác, cho bạn cần câu – để sau này bạn tự suy luận và áp dụng cho cuộc sống của bạn.
Hiện nay đang có mốt ca tụng tư duy phản biện (critical thinking). Muốn luyện loại tư duy thời thượng này, bạn có thể đọc các sách mà tác giả đặt dấu ấn cá nhân trong tranh biện
Danh mục tham khảo (cho người lớn):
- Gene vị kỷ / Dòng sông trôi khuất địa đàng – Richard Dawkins
- Súng, vi trùng và thép – Jared Diamond (hoặc các cuốn khác của bác này)
- Vượn trần trụi / Vườn thú người (Desmond Morris)
Sách tiểu thuyết (hư cấu) cũng đóng góp có quá trình phát triển tư duy. Ở đây tôi không bàn đến các tiểu thuyết diễm tình ướt át, mà nhắm đến các tiểu thuyết kinh điển và sắp thành kinh điển [sau vài chục năm nữa]. Do thiên về cảm xúc nhiều hơn (so với sách phi hư cấu), tiểu thuyết giúp phát triển trí tuệ cảm xúc, hỗ trợ phân tích tình huống, cảm xúc, hành vi con người. Khái quát hóa lên, những kiến thức này có thể áp dụng vào đời thực.
Cả hai thể loại này đều buộc bạn phải đọc hết cả cuốn sách mới nắm được hết nội dung, nên hiển nhiên bạn phải là người kiên trì, nhiều khi phải cố để biết được cái kết ở cuối sách. Đồng thời, như đã nói ở trên, bạn phải tưởng tượng những điều viết ra trong sách, ví dụ tự vẽ nên căn phòng, đồ vật nào ở chỗ nào, khu vườn như thế nào (sách hư cấu), cho đến việc vũ trụ ra đời như thế nào, hạt nào tương tác với hạt nào (phi hư cấu). Đó là một quá trình tưởng tượng, động não, tiếp tục ngay cả khi đã đọc xong cuốn sách. Đó là cách rèn luyện trí óc rất hiệu quả.
Làm một công dân tốt
Không thể phủ nhận sách văn học có thể làm cho người ta vị tha hơn, nhân ái hơn, sống có trách nhiệm hơn. Chẳng hạn, làm sao bạn đọc “Phía Tây không có gì lạ” hay “Nỗi buồn chiến tranh” mà không một lần rung động trước tình yêu cuộc sống, tình bạn – đồng đội, băn khoăn về cái chết, về “kẻ thù” bên kia chiến tuyến, về cái phi lý của chiến tranh? Làm sao bạn đọc Maupassant (VD. Tập truyện Viên Mỡ Bò), Steinbeck (Chùm nho phẫn nộ, Của chuột và người, Viên ngọc trai), Nam Cao mà không rung động trước bi kịch, những mảnh đời khốn khó, bế tắc tuyệt vọng? Lúc đó tự dưng bạn thấy mình may mắn, ích kỉ, hẹp hòi, thiếu cảm thông với những người xung quanh.
Đọc sách là quá trình khám phá bản thân và những người xung quanh
Thật thú vị khi một ngày nào đó bạn thấy vài suy nghĩ mơ hồ của mình hiện ra sờ sờ trên trang giấy, được viết gọn ghẽ thành lời mà vài chục năm đọc sách bạn vẫn chưa đủ sức đúc kết, diễn đạt nhuần nhuyễn được như vậy. Cứ như bức tranh ghép thiếu hơn nửa số miếng ghép, bạn vò đầu bứt tai, giờ nó hiện ra trước mặt. Đó là lý do nhiều cuốn sách mặc dù theo đánh giá chung là chưa xuất sắc, nhưng được nhiều người đánh giá cao và ủng hộ.
Chưa hết, các sách triết học, tâm lý, văn học đều góp phần giải mã hành vi con người. Biết đâu may mắn bạn gặp bạn gái mình trong một cuốn truyện nào đó, hoặc thấy hành vi cư xử của đồng nghiệp giống hệt như mô tả trong sách tâm lý. Nhờ đó bạn hiểu được động cơ của bản thân và những người xung quanh.
Ví dụ:
Quiet – Susan Cain
Lean In (Dấn Thân – mới dịch) – Sheryl Sandberg
Làm sao để biết sách gì nên đọc
Trước hết, bạn nên đọc những cuốn được cho là kinh điển hoặc đáng đọc một lần trước khi chết. Các danh mục kiểu này có rất nhiều trên mạng, bạn có thể chọn bừa một danh mục.
Một vài cách để kiểm tra sách có hay (hoặc hợp gu) trước khi mua:
- Xem đánh giá (bao nhiêu sao) trên Amazon, Goodreads
- Xem Wikipedia tiếng Anh
- Xem review của những người có cùng gu với mình
- Xem review Goodreads.
Lời khuyên của tôi: Hạn chế đọc các tác phẩm của nhà văn nữ 🙂
Kết
Vậy, sách có thực sự chỉ đem lại ảo tưởng viển vông không?
Câu trả lời rõ ràng: Không. Trong chừng mực nào đó, sách có thể khiến ta lý tưởng hóa cuộc sống, nhưng nhờ thế ta có thể sống đẹp hơn, có mục đích hơn. Và vì thế, không có lý do gì bạn lại không đọc sách cả. Có quá nhiều lợi ích từ việc đó, nếu cảm thấy mình không thể/không muốn đọc nhưng muốn cho con cái mình đọc, tốt nhất bạn hãy đọc sách cùng con, giúp con lựa chọn sách cho đến khi con bạn có thể tự lập hơn. Mà thời điểm đó đến nhanh thôi, cháu nó đọc sách từ sớm mà.