13 đồng sáng lập FPT – ngày ấy bây giờ

KÌ 1: 13 ĐỒNG SÁNG LẬP FPT – NGÀY ẤY BÂY GIỜ

Thành viên sáng lập FPT, thuở thành lập FPT cách đây 30 năm và hiện tại họ là ai, họ làm gì?

1. TRƯƠNG GIA BÌNH:

Là linh hồn của FPT suốt 30 năm qua cũng như trong nhiều năm tới, nên tôi xin viết cuối cùng.

2. LÊ VŨ KỲ:

Là nhân vật số 2 của FPT những năm đầu thành lập, phó giám đốc, quyền giám đốc FPT 2 năm 1989-90 khi anh Trương Gia Bình đi nghiên cứu ở Đức.

Anh Lê Vũ Kỳ tốt nghiệp đại học tổng hợp Moscow, trước khi gia nhập FPT, anh là giáo viên Vật lý HVKTQS, cán bộ nghiên cứu Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia.

Năm 1992 anh rời FPT cùng Nguyễn Đức Kiên (Kiên bạc – bầu Kiên) và nhóm Trần Mộng Hùng thành lập ngân hàng Á châu ACB, là đồng sáng lập, phó chủ tịch HĐQT, PTGĐ ngân hàng ACB trong nhiều khoá.

3. NGUYỄN TRUNG HÀ:

Là giám đốc tài chính CFO, nhân vật số 2 FPT giai đoạn 1993-1994, sau khi anh Lê Vũ Kỳ rời FPT.

Nguyễn Trung Hà từng đoạt giải 3 HCĐ Toán Quốc tế năm 1978, tốt nghiệp đại học tổng hợp Moscow, cán bộ nghiên cứu Viện Cơ học. Những năm đầu Trung Hà vừa thuộc trung tâm dịch vụ Tin học ISC vừa là trợ lý giám đốc, tham gia kinh doanh, xin đất xây nhà, xây trụ sở cho FPT.

Theo chủ trương xây dựng mô hình tập đoàn, năm 1993-1995 Trung Hà cùng một số anh em FPT tách ra lập công ty Zodiac. Với triết lý “đàn cá nhỏ” và “dùng trí tuệ, làm ít, không chăm chỉ mà thành công mới là người thực tài”, những năm sau Trung Hà đầu tư vốn, thành lập thêm nhiều công ty nữa. Nghe đâu Trung Hà làm chủ tịch HĐQT, Uỷ viên HĐQT của 27 công ty, trong đó có công ty chứng khoán Thiên Việt và Galaxy. Có lần Trung Hà than thở với tôi rằng nhà nước khống chế một người không được giữ vị trí HĐQT quá 27 công ty, thật là vớ vẩn.

Là nhà đầu tư chuyên nghiệp, không điều hành doanh nghiệp nên thời gian rảnh Trung Hà dành hết cho thú vui chơi bài. Trung Hà mê chơi bài đến mức khi xây nhà, thiết kế riêng 1 phòng chơi bài, thiết kế bàn chơi bài chuyên nghiệp có ngăn kéo để gạt tàn thuốc, ngăn kéo để bài riêng cho từng người chơi. Khánh thành nhà thì phòng khách trống trơn, phòng ăn, phòng ngủ đều thiếu đồ, chỉ riêng phòng chơi bài là đầy đủ.

Là người kín tiếng, không thích xuất hiện trên truyền thông, thế nhưng vừa rồi Trung Hà bất đắc dĩ nổi tiếng khi bỏ ra 32 tỷ đồng để cứu bạn Nguyễn Xuân Sơn, TGĐ Oceanbank thoát án tử hình.

4. LÊ QUANG TIẾN:

Là PTGĐ, giám đốc tài chính CFO, Phó chủ tịch HĐQT, nhân vật số 2 FPT giai đoạn 1995-2008, sau khi Trung Hà rời FPT.

Lê Quang Tiến là thành viên đội tuyển thi Toán quốc tế năm 1975, tốt nghiệp đại học Tổng hợp Kishinev, giáo viên Vật lý HVKTQS, cán bộ nghiên cứu Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia.

Lê Quang Tiến là người có tài kinh doanh nhất FPT thời ấy, Anh là người duy nhất trong FPT có xe máy bằng chính tiền buôn bán trong nước, không phải từ tiền đi nước ngoài mang về.

Theo chủ trương xây dựng mô hình tập đoàn, năm 2008, Lê Quang Tiến chuyển sang làm chủ tịch HĐQT ngân hàng Tiên Phong Bank (TPBank), FPT và Lê Quang Tiến là cổ đông lớn. Hiện tại Lê Quang Tiến là phó chủ tịch ngân hàng TPBank.

Lê Quang Tiến có khiếu hài hước, có tài kể chuyện tiếu lâm, anh bịa chuyện nhưng mặt lạnh tanh nhìn thật hơn cả người nói thật, người mới nghe lần đầu nhìn mặt anh tin sái cổ, đến vợ anh sống với anh mấy chục năm, con lớn đã tốt nghiệp đại học thế mà nhiều lần nghe anh kể chuyện vẫn ngơ ngác hỏi “thật à anh”. Facebook của anh thu hút dăm chục nghìn fans, hàng ngày hóng hớt chờ đọc stt mới của anh. Người không biết anh bịa chuyện hóng chờ đã đành, người biết anh bịa đến 99% câu chuyện vẫn hóng hớt thế mới tài.

5. NGUYỄN CHÍ CÔNG:

Là Giám đốc trung tâm dịch vụ Tin học ISC (cùng với xí nghiệp Cơ Điện Lạnh, trung tâm trao đổi nhiệt chất, ISC là một trong 3 đơn vị thành viên của FPT khi thành lập).

Trước khi gia nhập FPT, anh Nguyễn Chí Công là cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển, là thành viên chủ chốt nhóm thiết kế và chế tạo máy vi tính PC đầu tiên của Việt Nam.

Vốn người gốc làng Kim Liên, anh Công có tính cách của người Tràng An, thời 1988-89 anh bắt chúng tôi phải mặc áo Blue trắng khi làm việc với máy tính (mãi gần 20 năm sau trong TP Hồ Chí Minh mới có mô hình kinh doanh bác sĩ máy tính nhân viên mặc áo blue trắng). Nguyễn Thành Nam tiến sĩ Toán đại học tổng hợp Moscow thế mà những ngày đầu anh Công toàn bắt đun nước, pha trà vì lý do không biết ngôn ngữ lập trình nào.

Năm 1993, GS TS Vũ Đình Cự rút anh Nguyễn Chí Công lên Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia làm Giám đốc trung tâm trực thuộc Viện với tên gọi vẫn là ISC.

Là người nhiều tuổi hơn chúng tôi một thập niên nên hiện tại anh Nguyễn Chí Công đang dành thời gian để nghỉ ngơi với thú vui chụp ảnh nghệ thuật và viết lách.

KỲ 2: 13 ĐỒNG SÁNG LẬP FPT – NGÀY ẤY BÂY GIỜ

6. TRẦN ĐỨC NHUẬN

Là giám đốc xí nghiệp Cơ Điện Lạnh CDL trực thuộc FPT, chúng tôi thường gọi đùa là xí nghiệp Chó Dê Lợn (ISC và CDL được thành lập cùng ngày 13/09/1988 với FPT).

Anh Trần Đức Nhuận đã từng tham gia xây dựng, lắp đặt những nhà máy, công trình lớn nhất Việt Nam thời làm ở LILAMA nên anh tạo ra sự khác biệt. Chúng tôi những giảng viên đại học, cán bộ nghiên cứu khoa học, dân lý thuyết, còn anh dân công trường ăn to nói lớn, đi xe phân khối lớn lao như một mũi tên từ công trường về công ty, từ công ty ra công trường.

Anh Trần Đức Nhuận có câu nói mà tôi nhớ mãi khi anh trình bầy trước hội đồng thầu của đài truyền hình Việt Nam VTV: “Chúng tôi dùng máy tính để thiết kế và làm dự toán hệ thống điều hoà cho trường quay của VTV. Máy tính hay lắm, chỉ ấn một nút là nó in ra hết”. Đây chính là thương vụ đầu tiên tôi tham dự thầu và cũng là vụ đấu thầu, thắng thầu lớn đầu tiên của FPT (400.000 USD năm 1989), tôi đã học và tích lũy được nhiều bài học quí báu từ anh Nhuận trong thầu này.

Chương trình tính dự toán hệ thống điều hoà không khí trường quay VTV, tôi và Nguyễn Thành Nam lập trình với thời gian kỷ lục 1 ngày theo mô tả nghiệp vụ của Lê Thế Hùng (Hùng Râu), in ra hàng trăm trang giấy A3 dự toán cùng với hệ thống trình diễn VnStoryboad (do tôi tự phát triển giống PowerPoint ngày nay) kết hợp với tính thực tiễn của anh Nhuận đã tạo ra sự khác biệt với các đối thủ khác, góp phần vào việc FPT thắng đơn thầu lớn này.

Năm 1992 CDL chuyển lên trực thuộc Viện nghiên cứu Công nghệ Quốc gia, với tên gọi mới là công ty Cơ Điện Lạnh EMECO. EMECO cùng với REE của chị Mai Thanh ở TP HCM trở thành 2 công ty Việt Nam đầu tiên trong lĩnh vực Cơ Điện Lạnh (bây giờ gọi là M & E), anh Trần Đức Nhuận làm TGĐ, chủ tịch EMECO cho đến ngày về hưu.

7. BÙI QUANG NGỌC

Anh Bùi Quang Ngọc tốt nghiệp đại học Tổng hợp Toán Kishinev, bảo vệ luận án Tiến sĩ Cơ sở dữ liệu tại Grenoble Pháp, phó khoa Tin học Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Anh Bùi Quang Ngọc, Nguyễn Trung Hà, Nguyễn Thành Nam, Võ Văn Mai và Tôi thuộc ISC do anh Nguyễn Chí Công làm giám đốc tạo thành 6 thành viên Tin học đầu tiên của FPT. Năm 1992 khi anh Nguyễn Chí Công chuyển lên viện Công nghệ Quốc gia, anh Bùi Quang Ngọc làm giám đốc ISC, năm 1995 anh Ngọc lên làm Phó Tổng giám đốc FPT, năm 2001 phó chủ tịch HĐQT và làm Tổng giám đốc FPT từ năm 2013 đến nay.

Thời 1988-1990 anh Bùi Quang Ngọc hay mặc quần Sóc trắng đi dép quai hậu kể cả khi đi dạy học, cộng với tính cách và ăn nói dân giã nên vợ tôi nhất định không tin anh là phó khoa của một trường đại học lớn và danh giá như đại học Bách Khoa Hà Nội.

Tuy làm FPT nhưng anh Ngọc vẫn tiếp tục giảng dậy ở Đại học Bách Khoa Hà Nội nhiều năm. Chính vì vậy anh kéo rất nhiều sinh viên của anh về FPT thực tập và làm việc, những học trò của anh hiện là lãnh đạo cao cấp FPT có thể kể đến Hoàng Nam Tiến (chủ tịch FPT Software), Trần Quốc Hoài (chủ tịch FPT Trading), Hoàng Việt Anh (PTGĐ FPT, TGĐ FPT Telecom), Dương Dũng Triều (Chủ tịch FPT IS), Vũ Mai Hương (PTGĐ FPT Telecom), Hoàng Trung Kiên (PTGĐ FPT Telecom)…

Anh Bùi Quang Ngọc có nhiều đam mê, từ đá bóng, chơi đại bàng, chơi đá quí, nhạc Trịnh Công Sơn đến xe mui trần. Một buổi tối nào đó mừng đội tuyển bóng đá Việt Nam thắng trận, bạn nào đi bão thấy một ông tóc muối tiêu mặc quần Sóc, cởi trần (hoặc mặc áo phông), đầu chít khăn “Việt Nam vô địch” vừa lái xe mui trần vừa hò reo trên đường phố thì đích thị là anh Bùi Quang Ngọc.

8. ĐÀO VINH

Anh Đào Vinh là người lớn tuổi nhất FPT, anh hơn chúng tôi 20 tuổi, từ Viện Cơ học sang FPT làm trưởng phòng Tổng hợp lo toàn bộ mảng hành chính văn phòng của FPT.

Chúng tôi toàn những người trẻ, nhiều đam mê, nhiều khát vọng, năng động, nhưng không hiểu nhiều về các thủ tục, qui định của nhà nước, nên có rất nhiều cái ngớ ngẩn và đơn giản như Lê Quang Tiến nhận con dấu công ty về đút vào túi quần, ngồi bệt xuống sàn nhà đóng dấu, anh Lê Vũ Kỳ thì ký giấy giới thiệu giới thiệu chính mình (Lê Vũ Kỳ) đi liên hệ công việc, rồi công văn gửi Viện Công nghệ Quốc gia không có kính gửi, không có nơi nhận, không có số… Có lần GS TS Vũ Đình Cự đã dọa thu con dấu FPT nếu còn có những cái công văn ngớ ngẩn như thế.

Để thấy rõ nhất vai trò của anh Đào Vinh chúng tôi dùng hình tượng “CÁI PHANH của công ty”. Chúng tôi trẻ, chúng tôi không hiểu luật lệ, qui định, chúng tôi liều, chúng tôi phóng nhanh, anh Đào Vinh là cái phanh, anh phanh lại khi thấy nguy hiểm.

Anh Đào Vinh gắn bó với FPT, là CÁI PHANH của FPT đến tận năm 72 tuổi anh mới nghỉ hưu.

KỲ 3: 13 SÁNG LẬP FPT [NGUYỄN THÀNH NAM & PHẠM HÙNG]

9. NGUYỄN THÀNH NAM

Nguyễn Thành Nam là người nổi tiếng với kỳ tích thi đại học đạt 30 điểm, trong đó điểm Toán được 10.5 điểm (0.5 điểm thưởng). Thời những năm 197x-198x đề thi đại học rất khó, chỉ cần đạt 21.5 điểm là đã đủ điểm đi du học nước ngoài, thế nên 30 điểm, 10.5 điểm Toán của Thành Nam là độc nhất vô nhị chưa có người thứ 2 đạt kỳ tích này (thời ấy không cộng điểm ưu tiên vào tổng điểm thi).

Nguyễn Thành Nam tốt nghiệp đại học và bảo vệ Tiến sĩ Toán tại đại học Tổng hợp Moscow. Sau 10 năm đèn sách về nước đúng thời điểm FPT chuẩn bị thành lập, Nguyễn Thành Nam gia nhập FPT và rẽ theo con đường phần mềm, cùng bộ phận tin học ISC với tôi. Tôi và Thành Nam có nhiều kỷ niệm làm chung hệ thống dự toán xây dựng, hệ thống đèn đường, hệ thống Simulator cho máy bay TU134…

Nguyễn Thành Nam được bổ nhiệm phó giám đốc ISC phụ trách phần mềm (1992), giám đốc trung tâm giải pháp phần mềm FSS (1995), giám đốc FPT Software (1998), TGĐ FPT Software (2003), TGĐ FPT (2009-2011). Hiện tại Nguyễn Thành Nam làm chủ tịch đại học trực tuyến FUNiX.

Nguyễn Thành Nam được mệnh danh là thầy cãi bởi anh có biệt tài tranh biện, anh có thể chấp đối phương chọn bên trước: nếu họ chọn A anh cãi thành B, ngược lại họ chọn B, anh cãi thành A, chọn kiểu gì anh cũng thắng. Rất nhiều người ở FPT kể tranh luận với Thành Nam thấy thua, bị thuyết phục, tối về nằm nghĩ thấy không đúng, tìm ra lý lẽ khác hôm sau gặp anh tranh luận lại, lại thấy anh đúng, lại bị thuyết phục; quá trình ấy cứ lặp đi lặp lại hết ngày này qua ngày khác.

Nguyễn Thành Nam là người thích sáng tạo, anh không thích làm cái gì quá lâu: Lãnh đạo FPT Software Solution được hơn 3 năm, anh thấy làm phần mềm trong nước kém hấp dẫn và ít thách thức anh chuyển sang làm xuất khẩu phần mềm; khi xuất khẩu phần mềm đang phát triển anh xin rút khỏi vị trí chủ tịch FPT Software; đang làm phó chủ tịch đại học FPT anh xin ra khỏi FPT để dành toàn bộ tâm huyết cho việc kêu gọi, thuyết phục và hỗ trợ các tài năng Việt khắp 5 châu về Việt Nam lập nghiệp với chương trình “gọi chim về tổ” mà anh đặt tên là AiViet.

Giống anh bạn Nguyễn Trung Hà, dù thừa tiền mua siêu xe, nhưng các anh không có ô tô riêng, các anh chỉ đi xe ôm, taxi hoặc đi bộ; cả hai anh đều ăn mặc hết sức bình dân, không hề có chút bóng dáng của đại gia. Chuyện có thật là có lần Thành Nam đi xe máy cà tàng đèo con gái đến cung thiếu nhi Hà Nội học, con gái vừa đi khuất có một anh cũng đưa con đi học đến vỗ vai nói “Ê, cho về ngã tư sở”, không cải chính, Thành Nam nói: “Ok, lên xe đi”; về Ngã Tư Sở, xuống xe anh kia hỏi “bao nhiều tiền”, Thành Nam tỉnh bơ “5 nghìn”; Thành Nam nhận 5 nghìn đút túi và cười rất tươi.

10. PHẠM HÙNG

Anh Phạm Hùng tốt nghiệp đại học tổng hợp Toán Moscow, bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Việt Nam, là cán bộ nghiên cứu Viện Cơ học Việt Nam, thuộc gia đình trí thức lớn, ông nội là thượng thư bộ lại, quan đại thần nhà Nguyễn Phạm Quỳnh, chú là nhạc sĩ nổi tiếng Phạm Tuyên, bố là bác sĩ, giáo sư nổi tiếng Phạm Khuê.

Nhìn anh Phạm Hùng cao ráo, trắng trẻo, thư sinh, từ đi đứng, nói năng đều toát nên dòng dõi trâm anh thế phiệt.

Anh Phạm Hùng chính là người cùng anh Trương Gia Bình năm 1988 soạn ra điều lệ FPT trong đó có đoạn nổi tiếng được coi là tầm nhìn của FPT: “FPT mong muốn trở thành một tổ chức kiểu mới, hùng mạnh bằng nỗ lực sáng tạo trong khoa học và công nghệ, góp phần hưng thịnh quốc gia, đem lại cho mỗi thành viên của mình điều kiện tốt nhất để phát huy tài năng, có cuộc sống đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần…”.

Năm 1997 theo đề nghị của anh Trương Gia Bình anh Phạm Hùng chuyển sang xây dựng trường quản trị kinh doanh HSB (Hanoi School of Business), nơi đào tạo hầu hết các doanh nhân lớn của Việt Nam theo chương trình quản trị kinh doanh quốc tế.

KỲ 4: 13 SÁNG LẬP FPT [HÙNG RÂU & VÕ MAI]

11. HÙNG RÂU ĐIỂM SÁNG 4000 NĂM

Anh tên là LÊ THẾ HÙNG, nhưng mọi người thường chỉ gọi là Hùng râu.

Hùng râu tốt nghiệp tổng hợp Toán tại trường đại học tổng hợp Moscow và bảo vệ luận án Tiến sĩ Toán cũng tại trường này, là cán bộ nghiên cứu Viện Cơ học trước khi ra nhập FPT. Hùng râu cùng anh Phạm Hùng thuộc trung tâm trao đổi nhiệt và chất do TSKH Ngô Huy Cẩn bố GS Ngô Bảo Châu làm giám đốc.

Hùng râu thuộc lứa học sinh miền nam tập kết, quê đất Quảng một tỉnh miền trung nghèo khó nên có đầy đủ tính ngang tàng, anh hùng hảo hán, trượng nghĩa khinh tài; với Hùng râu thì trên đầu có trời dưới chân có đất, cứ đạp đất mà đi, cưỡi mây mà tiến.

Thông minh kiệt xuất hơn người, nghiên cứu và làm việc cực kỳ nghiêm túc, Hùng râu nổi tiếng cả Viện Cơ học và FPT về những giai thoại doạ ném tay trưởng phòng qua cửa sổ khi anh này bắt Hùng râu rửa ấm chén pha trà (ngày mà Hùng râu trực nhật phòng), giai thoại dọa quại bỏ mẹ đồng chí Viện trưởng nếu đồng chí Viện trưởng thù cán bộ nhân viên, giai thoại thi ăn ớt cả vốc nhai cả quả, uống rượu bằng bát ăn cơm để cứu đại ca Trương Gia Bình trong một cuộc thách đố ở Viện Cơ học…

Năm 1990 FPT xin đất xây nhà cho cán bộ, tất cả đều đăng ký nộp tiền xây nhà, riêng Hùng râu chưa vợ đang ở với mẹ nên nói không có nhu cầu, anh em công ty biết nhà là quí nên cứ ứng tiền ra nộp thay, đến ngày nhận nhà Hùng râu nhất định không nhận, cấm mẹ, cấm em gái không ai được nhận. Sau này em gái phải giấu Hùng râu nhận nhà. Chuyện lấy vợ của Hùng râu cũng nhiều tình tiết thú vị: Thấy Hùng râu muộn lấy vợ cả nhà, cả công ty sốt ruột mai mối, khuyên nhủ, Hùng râu yêu cầu mọi người phải chứng minh tại sao đàn ông phải lấy vợ, trong khi đã có mẹ nấu cơm, giặt giũ quần áo, có mấy cháu con chị gái để bế bồng rồi; Ngày cưới Hùng râu anh em còn lên đọc “điếu văn tiễn biệt đời trai tơ” cho Hùng râu.

Chính vì vậy người FPT gọi Hùng râu là điểm sáng 4000 năm, có nghĩa rằng 4000 năm Việt Nam mới có một người như Hùng râu.

Khi thành lập, FPT có tên là công ty Công nghệ thực phẩm. Sở dĩ có chữ thực phẩm vì khi ấy cả nước thiếu mặc đói ăn, nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, nên để công ty được ra đời thuận lợi buộc phải có chữ thực phẩm. Tất cả chúng tôi đều mặc kệ cái tên công nghệ thực phẩm, vẫn làm Tin học, điện tử, cơ điện lạnh… riêng Hùng râu thì thật thà, cả tin nên nhất định chỉ làm về công nghệ thực phẩm: miệt mài nghiên cứu công nghệ sấy táo, bảo quản rau răm, rau húng, hành để xuất khẩu, sản xuất kem, nghiên cứu chế tạo bột hạt vàng, làm sữa Ridielac HV, mang sản phẩm đi hội chợ, đoạt huy chương vàng cho sản phẩm sữa Ridielac HV.

Hùng râu cũng là một thầy cãi có hạng, trong FPT không ai cãi lại với Hùng râu. Có một lần anh Trương Gia Bình tranh luận với Hùng râu, tranh luận mãi không thắng đành đầu hàng: “thôi anh chịu thua”, Hùng râu hỏi “tại sao anh thua”, “anh không biết”, “không cho anh thua, nếu anh không biết tại sao anh thua thì anh phải cãi tiếp”. Lạ một điều là hai thầy cãi Thành Nam và Hùng râu chưa bao giờ tranh luận với nhau, chắc có lẽ kỵ giơ.

12. VÕ VĂN MAI

Võ Văn Mai tốt nghiệp ngành đo lường điều khiển tại Hungary, là bạn học Võ Hồng Nam (em trai chị Võ Hạnh Phúc). Trước khi gia nhập FPT Võ Mai là cán bộ nghiên cứu Viện kỹ thuật Vũ khí bộ Quốc phòng.

Trong 6 thành viên Tin học đầu tiên, duy nhất Võ Mai là dân phần cứng, anh là người có công xây dựng bộ phận phần cứng và dịch vụ bảo hành của FPT. Năm 1991 Võ Mai được bổ nhiệm phó giám đốc ISC, phụ trách kinh doanh và dịch vụ bảo hành.

Theo chủ trương xây dựng mô hình tập đoàn, năm 1994 Võ Mai cùng Ngô Vi Đồng và một số anh em FPT tách ra lập công ty HiPT. Việc tách ra này còn có một nguyên nhân nữa là để HiPT làm đại lý cho hãng HP, một hãng CNTT lớn của Mỹ (HP vào Việt Nam hơi chậm khi IBM đã chọn FPT, DEC chọn 3C, Compaq chọn Appinfo; HP nói với FPT là rất thích văn hoá FPT, không muốn ký đại lý với bất kỳ công ty nào khác và đồng ý sẽ ký đại lý với công ty do cán bộ FPT tách ra thành lập và điều hành). Lúc đầu Võ Mai và anh Trương Gia Bình định đặt tên công ty là HPT (một cái tên bao gồm cả HP và FPT: 2 chữ đầu là HP, 2 chữ cuối PT là 2 chữ cuối của FPT), nhưng hãng HP không đồng ý nên đành thêm chữ “i” ở giữa thành HiPT.

Tôi cũng suýt đi theo Võ Mai sang HiPT, đến giờ phút cuối cùng tôi lại quyết định ở lại FPT.

Hiện tại Võ Mai là TGĐ công ty HiPT và là chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam – Hungary.

KỲ 5: TÔI ĐÃ GIA NHẬP FPT NHƯ THẾ NÀO

Viết về 12 người đồng sáng lập FPT chữ cứ như có sẵn trong đầu cứ thế tuôn ra, chỉ việc gõ bàn phím, thế mà đến lượt mình thì lại tắc tị, không biết bắt đầu từ đâu, không biết viết gì. Có lẽ bắt đầu từ việc tại sao 12 người kia lại cùng nhau lập lên công ty FPT vào năm 1988 và tôi trở thành thành viên thứ 13 như thế nào.

Sau hơn 10 năm trời đèn sách, với bằng TS Toán cơ đại học Tổng hợp quốc gia Moscow năm 1984 anh Trương Gia Bình về nước. Đấy là thời điểm khó khăn nhất của đất nước, lương giáo sư, tiến sĩ, cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học chỉ đủ sống 7 ngày, mọi người phải làm thêm đủ thứ nghề khác để sống nốt 23 ngày còn lại, từ nuôi lợn, nuôi gà, trồng rau, trồng sắn, sửa tivi, sửa xe máy… Với trí lớn, anh Trương Gia Bình không thể nào chấp nhận thực tế là những người giỏi, tài năng, có tri thức lại không thể nuôi sống bản thân mình, bỏ bàn giấy với những đề tài khoa học xa rời thực tiễn, anh Bình lập một nhóm Viện Cơ học lao vào thực tiễn, đưa khoa học công nghệ vào giải quyết các vấn đề mà các nhà máy, xí nghiệp đang cần. Một loạt các hợp đồng với nhà máy thuốc lá Thanh Hoá, thuốc Lá Đà Lạt được ký kết.

Khi cơ hội ký hợp đồng bán máy tính cho Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô được mở ra, anh Trương Gia Bình quyết định lập công ty, làm ăn lớn và bài bản và nhóm Viện Cơ học trở thành nòng cốt cho FPT. Từ hợp đồng bán máy tính cho Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, anh Bình quyết định chiêu mộ đội Tin học. Nguyễn Trung Hà ở Viện Cơ là lựa chọn đầu tiên, tiếp theo là Bùi Quang Ngọc Tiến Sĩ Pháp bạn học phổ thông, Nguyễn Thành Nam cùng Tiến sĩ Toán MGU sau 5 khoá, Võ Mai bạn Võ Hồng Nam cùng học Hungary (em trai chị Võ Hạnh Phúc), Anh Nguyễn Chí Công (anh Bùi Quang Ngọc giới thiệu).

Một ngày mùa hè năm 1988, anh Trương Gia Bình đi dự hội nghị Tin học ở Cung Việt Xô, thấy các đại biểu toàn cầm giấy phát biểu, có mỗi một cậu trắng trèo, gầy gò, kính cận dầy cộp ngồi một góc điều khiển cái máy gì đó mà trên màn chiếu lớn của hội nghị chữ cứ nhảy múa rất sinh động và hấp dẫn. Với anh Bình đấy là công nghệ rất cao thời ấy, liền quay sang hỏi mọi người: “Tay này là tay nào, có ai biết không”, tất cả không biết, chỉ mình Võ Mai biết: “Đỗ Cao Bảo, Cục Tác chiến, em biết”, “em có quen không”, “quen sơ sơ”, “em đi rủ cậu ấy gia nhập nhóm”.

Sáng hôm sau trước giờ đi làm Võ Mai đứng dưới tầng 1 gọi ới lên tầng 5: “Tối ở nhà tôi qua có việc quan trọng cần bàn”. Tối hôm ấy trên ban công tầng 5, căn hộ tập thể nhìn ra hồ Thành Công, Võ Mai nói về ý tưởng thành lập công ty của anh Trương Gia Bình và thuyết phục tôi ra nhập. Khi ấy tôi đang là trợ lý tự động hoá chỉ huy Cục Tác Chiến, Bộ Tổng Tham Mưu và là cộng tác viên của Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển làm về Trí tuệ nhân tạo AI, thế nhưng khi nghe Võ Mai nói xong tôi có cảm giác như Christopher Columbus tìm ra châu Mỹ, lập tức tôi nhận lời.

Thế là tôi ra nhập nhóm sáng lập FPT, các buổi họp liên tục diễn ra, khi thì ở 30 Hoàng Diệu, khi thì ở nhà Trung Hà (Hàng Bông), khi thì ở nhà anh Nguyễn Chí Công (Kim Liên). Mỗi khi anh Bình chuẩn bị đi Liên Xô, Đức hoặc đi làm việc với các tổ chức ở Việt Nam, Trung Hà lại chạy chiếc xe máy cũ đến báo tôi tối đến 30 Hoàng Diệu làm. Với phần mềm VNSTORYBOARD do tôi tự phát triển (giống PowerPoint ngày nay) tôi đã soạn các slide chào mừng, nội dung cuộc họp, nội dung trình bày cho anh Bình, nhiều hôm làm đến gần sáng mới xong, kịp cho anh Bình sáng hôm sau bay sớm (đây là phần mềm duy nhất thời ấy soạn được các Slide tiếng Việt).

Một sự tình cờ đã đưa tôi gia nhập FPT và trở thành một trong 13 thành viên sáng lập FPT. FPT chính là nơi đã cho tôi được là chính mình, được làm công việc mình yêu thích, được thỏa niềm đam mê, được khám phá ra những tố chất và năng lực tiềm ẩn của bản thân. Ở FPT tôi đã phát hiện ra mình không chỉ có đam mê và sở trường về phần mềm, mà còn có đam mê và sở trường về xây dựng mối quan hệ, đam mê kinh doanh, đam mê lãnh đạo, đam mê làm việc với con người, đam mê tiến ta nước ngoài mang trí tuệ Việt Nam đi chinh phục thế giới và đam mê cái đẹp.

Chuyện vui kể thêm: Cuối năm 1994 tôi chuyển sang kinh doanh, làm giám đốc FPT IS, khi ấy cả FPT, cả gia đình, bạn bè đều nghi ngại nghĩ tôi không kinh doanh được bởi quá hiền lành, thật thà chất phác. Không ngờ ngay năm đầu tiên đã thành công rực rỡ, tăng trưởng cao, lợi nhuận lớn, dẫn đầu thị trường, là quả đấm thép của FPT hơn 10 năm liền. Một hôm anh Trương Gia Bình nói với tôi: “Anh hoàn toàn bị Bảo lừa, anh nghĩ Bảo chỉ giỏi làm phần mềm, hiền lành…”, tôi bảo anh: “không phải chỉ anh bị lừa mà chính em cũng bị em lừa”. Đây cũng là một trong những lý do khiến tôi đam mê và giành ra 22 năm nghiên cứu về Nguyên lý thành công trong cuộc sống.

KỲ 6: CHỊ VÕ HẠNH PHÚC VÀ 4 VIÊN ĐẠI UÝ

Sau khi thống nhất việc gia nhập FPT thì việc quan trọng nhất của tôi và anh Lê Vũ Kỳ, Lê Quang Tiến và Võ Văn Mai là làm thủ tục chuyển ngành ra khỏi quân đội. Đây là một trong những công việc khó khăn nhất trong cả cuộc đời mà tôi đã từng trải qua.

Nhận lời gia nhập FPT, giờ hành chính làm ở Cục Tác Chiến (hoàng thành Thăng Long), 16h30 đạp xe đến FPT (224 Đội Cấn) làm đến khuya mới về nhà. Cứ như thế nhiều tháng trời, không dám xin chuyển ngành vì biết mình thuộc diện cán bộ nguồn, đào tạo bài bản của Quân đội. Sau khi thấy anh Lê Vũ Kỳ, Lê Quang Tiến, rồi Võ Mai đã hoàn tất thủ tục chuyển ngành về FPT, sốt ruột lắm mà vẫn không dám đề đạt với lãnh đạo Cục. Một hôm nhận được thông tin các cơ quan Bộ Quốc Phòng giảm biên chế 50% (năm này chiến tranh biên giới đã hạ nhiệt), mừng quá chạy ngay lên gặp lãnh đạo Cục:
– Báo cáo Trung tướng, em xin chuyển ngành…
– Cậu là cán bộ nguồn, đào tạo cơ bản, không được.
– Em nghe nói có chủ trương giảm biên chế, cho chuyển ngành…
– Giảm ai thì giảm, cậu thì không giảm.
– Em nghe nói giảm đến 50%.
– Có giảm hết cả Cục riêng cậu không giảm.

Xin nhiều quá, lãnh đạo Cục không tiếp tôi ở cơ quan nữa. Tối tôi lại lọ mọ đạp xe đến nhà. Một tối hai chú cháu đang trao đổi, Chú bảo không duyệt, cháu bảo cháu thiết tha xin chuyển ngành, ra ngoài cháu sẽ đóng góp được nhiều hơn cho đất nước… Cô vợ Trung tướng từ phòng ăn đi ra:
– Xin lỗi cháu, cô là vợ, nhưng chú là Trung tướng, cán bộ cao cấp của quân đội, cô có nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho chú, ban ngày chú làm việc rất căng thẳng, tối chú cần nghỉ ngơi, xin mời cháu về để chú còn nghỉ ngơi.
– Dạ vâng, cháu buộc phải đến nhà riêng vì ở Cục chú không tiếp cháu.
– Thôi cháu về cho chú còn nghỉ ngơi.

Nhớ lời anh Trương Gia Bình nhắn nhủ trước khi sang Đức “em cố gắng chuyển ngành về FPT”, tôi càng thêm quyết tâm. Đi đường chính không được tôi đành đi đường vòng, nhờ chị Võ Hạnh Phúc. Chị Phúc dẫn tôi đến gặp hết tướng lĩnh cao cấp này đến tướng lĩnh cao cấp khác xin thư tay. Hết thư tay của tướng lĩnh này, đến thư tay của tướng lĩnh khác, lãnh đạo Cục vẫn không lay chuyển.

Đang tuyệt vọng, bỗng một buổi sáng, sếp tôi gọi ra nói:
– Trong vòng 24h cậu phải lấy được giấy tiếp nhận của một viện nghiên cứu lớn, nếu không lấy được thì cậu yên tâm ở lại phục vụ Quân đội lâu dài, bỏ ý định xin chuyển ngành đi.
– Em không hiểu, tại sao lại chỉ có 24h?
– Sáng mai lãnh đạo Cục họp xét phong quân hàm, cậu đến niên hạn phong quân hàm đại uý, nếu có giấy tiếp nhận, lãnh đạo Cục sẽ xét cho cậu chuyển ngành, không lên đại uý nữa, nếu không cậu lên đại uý và ở lại phục vụ quân đội lâu dài.
– Tại sao phải là viện nghiên cứu lớn.
– Bộ Tổng Tham mưu, Cục Tác chiến là cơ quan đầu não của bộ Quốc phòng, vì thế cậu không thể chuyển ngành ra công ty được.

Đạp vội ra 30 Hoàng Diệu, trình bày với chị Phúc với nét mặt nửa lo lắng nửa hy vọng. Chị Phúc trầm tư:
– Anh Vũ Đình Cự, Viện nghiên cứu Công nghệ Quốc gia thì chắc chắn không thể ký trong 24h. Anh Bình lại đang ở Đức.
– …
– Chỉ có Anh Nguuyễn Văn Đạo Viện Cơ học, may ra…

Nhận được cuộc hẹn, buổi trưa hai chị em lóc cóc đạp xe đạp đến nhà riêng Anh Nguyễn Văn Đạo. Sau khi nghe tôi trình bày, Anh Đạo nhỏ nhẹ:
– Tớ sẽ ký giấy tiếp nhận cậu về Viện Cơ học. Trung Hà nó làm full time ở FPT rồi. Cậu làm 1/2 thời gian ở phòng máy tính Viện Cơ nhé.
– Dạ em rất thích FPT, anh cho em gửi biên chế ở Viện Cơ, làm ở FPT.
– Thôi được (sau khi lưỡng lự vài giây, Anh Đạo ký đánh roẹt).

2 tuần sau tôi cầm quyết định chuyển ngành về Viện Cơ học cùng quyết định phong Đại uý và tạo thàn bộ tứ Đại uý chuyển ngành của FPT.

Việc chuyển ngành của 3 Đại uý Lê Vũ Kỳ, Lê Quang Tiến, Võ Mai đỡ khó khăn hơn một chút, nhưng đều có sự giúp sức và tham dự của chị Võ Hạnh Phúc.

Ngoài chị Võ Hạnh Phúc ra chị Nguyệt vợ anh Lê Vũ Kỳ khi ấy đang làm ở Công ty Máy tính Việt Nam đã tham gia và hỗ trợ nhiều vào việc tìm kiếm đối tác cung cấp máy tính nước ngoài cũng như việc tìm kiếm khách hàng trong nước. Còn chị Hải vợ anh Lê Quang Tiến đã giúp FPT rất nhiều mỗi khi thiếu tiền trả lương, mỗi khi đến ngày đáo hạn vay ngân hàng. Với quan hệ của mình chị Hải còn giúp FPT rất nhiều trong việc mở các mối quan hệ với các cơ quan nhà nước, các khách hàng Việt Nam.

Chính vì vậy mà đối với chúng tôi thực chất FPT không chỉ có 13 thành viên sáng lập. Cách đây 5 hôm khi chúng tôi ngồi ăn tối với nhau ở nhà chị Phúc, Trung Hà đã nói: “vai trò của chị Phúc, chị Nguyệt, chị Hải trong những năm đầu tiên còn lớn hơn một vài thành viên sáng lập FPT.

KỲ 7: TẠI SAO CHƯA VIẾT VỀ ANH TRƯƠNG GIA BÌNH

Tan buổi lễ FPT 30 NĂM MỞ LỐI TIÊN PHONG sáng nay ra đến sảnh gặp Ngọc Anh, con gái anh Bình, Ngọc Anh trách:

– Con đọc series bài chú viết về 30 năm FPT, con bức xúc lắm, đã 5-6 lần con đã viết comment “tại sao chú viết về tất cả mọi người mà riêng một người chú không viết”. Cuối cùng con lại xoá đi không gửi.

– Tại tính cách ba con khó nắm bắt lắm. Chú cảm giác chưa tóm được cái hồn, cảm giác viết bao nhiêu cũng chưa đủ, vẫn còn thiếu.

– Chú không cần viết đầy đủ.

– Bài viết về mẹ con sáng nay cũng vậy, chú vẫn thấy còn thiếu, nhưng đành tặc lưỡi “thiếu còn hơn không viết”.

– Vậy chú cứ theo phương châm thiếu còn hơn không, chú viết đi.

Vậy là nhất định phải viết và muộn nhất là sáng ngày mai 13/09, ngày kỷ niệm 30 năm thành lập FPT phải đăng bài về anh Trương Gia Bình.

Mặc dù chưa kịp viết gì, cả ngày hôm nay đón khách và hội thảo, không biết có viết kịp không nhưng cứ đăng stt này để gây sức ép với chính mình phải viết, để đặt gạch cho những ai đang ngóng chờ góc nhìn về nhân vật số 1 FPT, người là linh hồn của FPT suốt 30 năm qua và 30 năm tới, bởi lời nhắc nhủ của quyền bộ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông sáng nay: “FPT phải mơ những giấc mơ lớn hơn, hãy nhận về mình những thách thức lớn hơn, hãy phụng sự tổ quốc nhiều hơn. FPT đã đủ lớn để làm những việc không ai làm, để tạo ra định hướng cho những doanh nghiệp Việt Nam khác”.

Kỳ 8: ANH TRƯƠNG GIA BÌNH

Hôm nay FPT vừa tròn 30 tuổi. 30 năm với một đời người không phải là dài, nó chỉ như một chàng trai vừa mới trưởng thành, đang ở độ chín nhất, đẹp nhất, thế nhưng với một công ty thì đã là dài, bởi trên thế giới có rất nhiều công ty lừng lẫy toàn cầu một thời đã bị biến mất khi chưa đến tuổi 30. Hãng Compaq từng đứng đầu thế giới về máy tính PC và máy chủ Intel, thế mà tuổi đời của Compaq chỉ vừa vặn có 20 năm (ra đời năm 1982 và bị HP mua lại năm 2002). Hãng Vertu từng là hãng điện thoại sang trọng nhất thế giới, là chiếc điện thoại của giới nhà giàu, của các đại gia, thế mà tuổi đời cũng chỉ vẻn vẹn có 19 năm (ra đời 1998, chấm dứt hoạt động 2017).

FPT ra đời năm 1988 với hai bàn tay trắng, không vốn liếng, không trụ sở, không tài sản, chỉ có duy nhất một giấc mơ, một khát vọng và giấc mơ khát vọng ấy không thay đổi trong suốt 30 năm qua, đấy là giấc mơ “mỗi người được sống là chính mình, mỗi người có thể phát huy hết tài năng cá nhân, mang lại cho mình cuộc sống đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần, góp phần hưng thịnh quốc gia”. Giấc mơ ấy đã được anh Trương Gia Bình, linh hồn của FPT viết ra và truyền lửa cho 13 thành viên sáng lập FPT và tiếp tục truyền tiếp cho hơn 33.000 thành viên FPT ngày nay.

Năm 1998 anh Trương Gia Bình lại tiếp tục đốt lên giấc mơ xuất khẩu phần mềm, mang trí tuệ Việt Nam đi chinh phục thế giới. 20 năm sau giấc mơ xuất khẩu phần mềm của anh Bình đã biến FPT Software lớn mạnh gấp gần 1.000 lần, từ 16 thành viên ban đầu thành 15.000 thành viên, có mặt trên 33 quốc gia 5 châu lục, với 30 quốc tịch khác nhau.

Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, ở tuổi 30 của FPT anh Trương Gia Bình sẽ lại tiếp tục ước mơ một giấc mơ lớn hơn, vĩ đại hơn cho FPT, không chỉ là người mở lối tiên phong cho các doanh nghiệp CNTT Việt Nam tiến ra thế giới mà còn là người đi tiên phong, là bạn đồng hành của các tập đoàn lớn toàn cầu trong công cuộc chuyển đổi số trên toàn thế giới, là con chim đầu đàn dìu dắt các doanh nghiệp CNTT Việt Nam cùng tiến ra thế giới, cùng chung sứ mệnh phụng sự tổ quốc và dân tộc.

Để thực hiện giấc mơ khát vọng lớn của mình, anh Trương Gia Bình đã rất xuất sắc trong việc tập hợp lực lượng, thu hút các tài năng cùng đứng chung dưới một ngọn cờ. Có rất nhiều người đã hỏi tôi: “chỉ ba người tài ngồi với nhau đã khó, làm cách nào mà 13 người sáng lập FPT có thể chung sức, chung lòng đi với nhau một chặng đường dài như vậy”. Câu trả lời của tôi là anh Bình đã biết hướng tất cả các thành viên có cùng mục tiêu, đặt mục tiêu chung cao hơn tất cả, lấy mục tiêu chung để giải quyết các khác biệt, các bất đồng; anh Bình cũng là người hiểu sâu sắc các điểm mạnh, điểm yếu, sở trường, sở đoản của mỗi tướng lĩnh, đặt họ đúng vị trí mà họ có thể phát huy hết tài năng, họ có thể làm tốt nhất.

Trong lãnh đạo và quản lý, anh Trương Gia Bình tin tưởng sâu sắc rằng một tổ chức chỉ có thể có tinh thần sáng tạo, chỉ có thể tăng trưởng, phát triển bền vững, trường tồn khi tổ chức ấy có dân chủ. Trong FPT anh Bình khuyến khích nhân viên tranh biện với lãnh đạo, cảnh báo những đơn vị mà nhân viên không tranh biện với lãnh đạo. Trong các hội diễn ở FPT, anh Bình là người được mang lên sân khấu chế giễu, bôi bác nhiều nhất, thậm chí còn bị đánh đập bằng roi vọt. Thật lạ là anh Bình ngồi dưới xem không hề tức giận mà lại cười rất sảng khoái, cứ như là bọn chúng đang chế giễu, bôi bác, đánh đập đối thủ của mình vậy. Bọn cấp dưới còn chế bài hát “Gia Bình đánh tây”, cứ mỗi dịp rượu bia vào là chúng lại hát “Chẳng nghe cái lũ ăn nhiều nói phét, bán hết vali Gia Bình đi đánh tây”.

Thuở học phổ thông do dậy thì muộn nhỏ con hơn, đã nhiều lần anh Trương Gia Bình bị lớp trưởng Bùi Quang Ngọc đấm sưng mặt (chắc do nghịch ngợm, nhắc nhở không nghe), thế mà năm 1988 vẫn rủ cái ông đấm mình sưng mặt ấy cùng lập công ty, rồi lại còn bổ nhiệm ông ấy làm PTGĐ, làm TGĐ FPT nữa mới kỳ.

Chưa hết các chiến lược kinh doanh, các chính sách của anh Bình thường xuyên bị một số lãnh đạo cho là viển vông, cứ có dịp là bọn chúng lại mang ra cười đầy nghi vấn, thế mà anh Bình không bao giờ để bụng, không hề lung lay, anh vẫn kiên trì và cương quyết thực thi đến cùng.

Anh Trương Gia Bình là người có tài thuyết khách, đặc biệt là tây, tây càng Âu Mỹ, chức càng to, bằng cấp, học vị càng cao thì anh Bình thuyết càng hiệu quả. Hầu hết các ông Tây khi định hợp tác với FPT nếu còn nghi ngại, thì chỉ cần gặp anh Bình xong là gật sái cổ và đồng ý hợp tác luôn. Chính vì thế mà hầu hết các khách hàng lớn của FPT Software, nhất là các tập đoàn lớn thuộc danh sách Fortune 500 đều có được hợp đồng sau khi anh Bình trực tiếp tham dự, gặp gỡ chủ tịch, CEO, CTO, CIO.

Anh Trương Gia Bình có sức khỏe và sức làm việc tuyệt vời. Cá nhân tôi chưa từng thấy ai có sức làm việc khủng khiếp như vậy. Riêng lái xe anh Bình cần đến 2 lái xe, một lái ca từ 6h sáng đến 3h chiều, một lái ca từ 3h chiều đến 12h đêm, nếu không dùng 2 lái xe thì chắc không lái xe nào đủ sức khỏe theo kịp anh Bình. Về khoản rượu thì ít sâu rượu nào, dù sâu tây hay sâu ta địch nổi. Có những buổi họp hội nghị chiến lược xa, anh em vui nhậu tới 12h đêm đến say, sáng hôm sau hầu hết các bạn trẻ không thể dậy nổi, mình anh Bình vẫn thức dậy và xuống họp đúng giờ.

o O o

Toàn bộ trí tuệ, tài năng của anh Trương Gia Bình dồn hết cho công việc, thế nên ở đời thường anh trở lại như trẻ thơ, khi mọi người vui chơi, hát hò, diễn kịch, tán gẫu… anh ngồi nghe, ngồi xem, nét mặt rất ngây thơ, háo hức như trẻ con nông thôn lần đầu được lên phố.

Mà anh ngây thơ thật anh không biết anh có bao nhiêu tiền, bao nhiêu tài sản; anh không hiểu tại sao bọn thằng Bảo, thằng Tiến béo, thằng Đình Anh nó lại đi máy bay hạng thương gia, ở khách sạn 5 sao, trong khi anh chỉ bay hạng phổ thông là đã thỏa mãn rồi; anh không hiểu sao bọn thanh niên trẻ lại muốn mua xe máy đẹp, mua ô tô để đưa đón người yêu đi chơi, trong khi anh vẫn đạp xe đạp đi làm; có lần anh hỏi chúng tôi rất ngây thơ “chúng nó cần tiền thật à, mà sao cần nhiều thế”.

Về phụ nữ anh còn ngây thơ hơn có lần khi đã trên 50 tuổi anh thì thào với chúng tôi về một bí mật của phụ nữ mà anh mới khám phá ra. Tiến béo liền vỗ đùi: “cái này em biết từ năm 18 tuổi”.

Mà thôi những cái này thuộc bí mật công ty, cấm tiết lộ. Hẹn sẽ kể tiếp vào ngày này 5 năm nữa, ngày kỷ niệm FPT 35 tuổi.

Bài viết được tổng hợp từ Facebook bác Đỗ Cao Bảo – Đồng sáng lập FPT

Related posts

Leave the first comment

0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x